2023-04-18 13:41:27
Một cuộc triển lãm từng gây xôn xao nước Anh khi giới thiệu các bức họa mô tả đời sống tình dục thời xưa của Nhật Bản.
Tháng 10-2013, Viện bảo tàng Anh danh tiếng ở London thu hút giới truyền thông khi tổ chức một cuộc triển lãm tranh về văn hóa tình dục có tên Shunga: sex and pleasure in Japanese art (Xuân Cung họa: tình dục và khoái lạc trong nghệ thuật Nhật Bản).
Cuộc triển lãm kéo dài hơn 2 tháng yêu cầu khách tham quan dưới 16 tuổi nên có sự hướng dẫn của cha mẹ.
Cuộc triển lãm trở thành đề tài bàn tán của nhiều tờ báo, trong đó có một số báo đài lớn như The Guardian, BBC…
Trong phần giới thiệu về triển lãm, Bảo tàng Anh viết: "Thời kỳ cận đại, giai đoạn 1600-1900, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật miêu tả chuyện quan hệ tình dục đã được tạo nên, được gọi là ‘Xuân Cung họa’ (shunga).
Đây là lần đầu tiên loại hình triển lãm này được tổ chức ở Anh, giới thiệu những bức Xuân Cung họa dịu dàng, vui nhộn và đẹp đẽ do các bậc thầy nghệ thuật Nhật Bản tạo nên, trong đó có Utamaro và Hokusai".
Theo thông tin từ bảo tàng, những nghệ sĩ thường vẽ Xuân Cung họa nhiều nhất là những người theo loại hình nghệ thuật Ukiyo-e (với tranh vẽ và tranh in mộc bản có đối tượng chính là những thiếu nữ đẹp, đô vật sumo, cảnh trích từ những câu chuyện lịch sử và dân gian, phong cảnh…).
Một số cái tên đình đám của loại hình Xuân Cung họa Nhật Bản có thể kể đến Hishikawa Moronobu (mất năm 1694), Kitagawa Utamaro (mất năm 1806) và Katsushika Hokusai (mất năm 1849).
Những bức Xuân Cung họa cao cấp thường được các nghệ sĩ thực hiện cho tầng lớp cai trị, đôi khi các tác phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi Xuân Cung họa của Trung Quốc.
Sau thời hưng thịnh thời Edo, đến năm 1722, Xuân Cung họa bị cấm ở Nhật, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn được phổ biến rộng rãi dưới nhiều ấn phẩm như sách, có khi còn được dùng làm quà cưới hay thậm chí là được dùng để giáo dục tình dục cho các cặp đôi mới cưới.
Đến cuối thế kỷ 19 thì loại hình nghệ thuật này dần biến mất khỏi trí nhớ của người dân và giới học thuật Nhật Bản, đồng thời trở thành điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, đây lại là thời điểm mà người châu Âu khám phá ra loại hình nghệ thuật này và tích cực sưu tầm, trong số đó có các nghệ sĩ nổi tiếng như Lautrec, Beardsley, Sargent và Picasso.
Bảo tàng Anh có được bức Xuân Cung họa đầu tiên năm 1865 và là một trong những nơi có các bộ sưu tập Xuân Cung họa xuất sắc nhất ngoài Nhật Bản.
Theo Timothy Clark, người giám tuyển triển lãm "Shunga: sex and pleasure in Japanese art" của Bảo tàng Anh, ngày nay Xuân Cung họa bị xem là nội dung khiêu dâm.
"Những người chưa từng xem Xuân Cung họa sẽ bất ngờ khi thấy các bức tranh này mô tả chi tiết "hoạt động tình dục" như vậy. Nhưng đây là nghệ thuật miêu tả tình dục, không phải nội dung khiêu dâm", Timothy Clark trả lời Đài BBC.
Gần hai năm sau triển lãm ở Anh, Xuân Cung họa lại một nữa khiến công chúng "dậy sóng" khi một bảo tàng nhỏ ở Nhật tổ chức triển lãm những bức họa thuộc loại hình này, trong số đó có nhiều bức đã được triển lãm ở Anh.
Tháng 9-2015, Bảo tàng Eisei Bunko ở Tokyo thu hút sự chú ý của công chúng và báo giới khi tổ chức cuộc triển lãm mà tạp chí Time Out Tokyo gọi là "dũng cảm", bởi trước đó hơn 10 bảo tàng ở Nhật đã từ chối tổ chức triển lãm này vì lo sợ khách tham quan sẽ bị sốc trước những bức họa lột tả chuyện tình dục không chút giấu giếm.
Trong khi đó, giám đốc Bảo tàng Eisei Bunko, ông Morihiro Hosokawa cho biết ông thấy vinh dự khi được mang đến cho công chúng Nhật Bản cơ hội đầu tiền để "trân trọng nghệ thuật Xuân Cung họa đích thực" sau hàng thập kỷ, theo báo The Guardian.
"Chúng ta phải xóa bỏ điều cấm kỵ đi", ông phát biểu với báo chí trước khi khai mạc triển lãm.
Sau hai tháng mở cửa cho công chúng, cuộc triển lãm đã thu hút được hơn 90.000 lượt người sẵn sàng đứng xếp hàng đợi cả nửa tiếng đồng hồ để được xem tác phẩm của các "bậc thầy" Xuân Cung họa như Katsushika Hokusai và Kitagawa Utamaro.