Số liệu mới nhất về các trường hợp khẩn cấp trên núi
Địa hình của Nhật Bản có tới hơn 70% diện tích là đồi núi. Những ngọn núi nổi tiếng như núi Takao ở Tokyo với vẻ đẹp tự nhiên và các di tích lịch sử thường thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, đối với cả người Nhật lẫn người nước ngoài yêu thích leo núi, những điểm đến xa hơn thường có sức hấp dẫn đặc biệt hơn, nhưng đồng thời cũng có thể gây nhiều khó khăn cho người leo nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản theo dõi tình hình các vụ tai nạn trên núi trong nhiều năm qua. Cơ quan này ghi nhận 3.568 trường hợp bị mắc kẹt trên các ngọn núi trong năm 2023, con số cao nhất kể từ đầu những năm 1960. Trong đó, có 145 trường hợp là người nước ngoài – con số cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2018.
Sự cố thường gặp nhất trên các ngọn núi là đi lạc, chiếm 33,7 % tổng số trường hợp khẩn cấp trong năm 2023. Tiếp theo là trượt chân chiếm 17,3 % và bị ngã chiếm 16,9 %. Nguyên nhân phổ biến nhất được cho là do không chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, không có kế hoạch, thiếu kiến thức, kinh nghiệm hoặc thể lực không đủ.
Bản đồ độc đáo của Jiro
Ông Moriya Jiro, một người đam mê leo núi, đã tạo ra một loại bản đồ độc đáo trong 10 năm qua, chủ yếu tập trung vào các ngọn núi tương đối thấp ở quanh khu vực Tokyo.
Ông Moriya lớn lên cùng những chuyến đi leo núi cùng cha, hiện đã qua đời. Năm 19 tuổi, ông chuyển từ quê nhà ở Okayama lên Tokyo. Sau khi một mình thám hiểm các ngọn núi quanh khu vực Okutama, leo núi đã trở thành niềm đam mê duy nhất của ông.
Bản đồ của ông Moriya có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, ông sử dụng bản đồ đường đồng mức do Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản (GSI) sản xuất, trên đó ông bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích dựa trên những gì mình tìm hiểu được. Điều này giúp người đi leo núi có thể tiếp cận được một lượng thông tin phong phú chỉ với một tấm bản đồ duy nhất. Thứ hai, bản đồ của ông Moriya có kích thước lớn nên có thêm nhiều chi tiết hơn, chứ không chỉ là tên các ngọn núi như các bản đồ nhỏ thông thường.
Ông Moriya nói: "Đối với người leo núi, quan trọng nhất là những thông tin như vị trí bãi đậu xe, nơi có nước sạch, ghế băng và nhà vệ sinh. Đây cũng đồng thời là những điểm mốc giúp xác định phương hướng. Người leo núi có thể biết được vị trí của mình khi nhìn vào các khu vực này trên bản đồ".
Cha của ông Moriya là người khởi xướng dự án bản đồ này. Cách đây 15 năm, ông Moriya đã cùng tham gia với cha mình. Cha ông đã sáng tạo ra những bản đồ đặc biệt, chủ yếu tập trung vào các ngọn núi thấp, nơi mà ông Moriya không mấy quan tâm khi còn trẻ. Tuy nhiên, càng tham gia hỗ trợ cha, ông càng yêu thích những ngọn núi thấp, đến mức ông đã thôi công việc chính là nhân viên bán hàng để tiếp nối việc của cha.
Ông Moriya nói: "Cha tôi thực sự muốn làm gì đó để giảm sự cố trên núi do người leo núi bị lạc. Cha tôi nghĩ rằng có thể hiện thực hoá điều này bằng cách tạo ra bản đồ chi tiết hơn và dễ hiểu hơn".
Nghiên cứu trực tiếp, từng bước một
Khi thu thập thông tin mà ông Moriya cho là người đi leo núi sẽ cần đến, ông không chọn cách dễ dàng là sử dụng internet. Thay vào đó, ông chỉ tra cứu trên mạng để chuẩn bị trước, rồi tự mình đi qua các cung đường mòn để trực tiếp kiểm tra xem có thay đổi nào so với chuyến đi lần trước đó hay không.
Đối với ông Moriya, một vật dụng không thể thiếu là bánh xe đo chiều dài khi đi đến các địa điểm mới hay những nơi dễ bị lạc.
Vào giữa tháng 7, ông Moriya đã leo lên các ngọn núi ở khu vực Tama phía tây Tokyo để cập nhật bản đồ mà ông tạo ra cách đây vài năm.
Ở đầu cung đường, ông nhận thấy có một nhà vệ sinh công cộng mới được xây dựng. Đối với người đi leo núi, những thông tin này là rất quan trọng, do những ngọn núi thay đổi theo thời gian. Chính điều này mang lại giá trị cho những tấm bản đồ thường xuyên được cập nhật của ông.
Sau vài giờ, ông Moriya phát hiện ra một điểm mới có thể khiến người leo núi lạc đường: một lối vào cung đường leo núi từng mở cửa trước đây nay đã bị chặn.
Khi tiếp tục đi xa hơn, ông nhận thấy cung đường bị chặn ở trên lại có một lối vào khác vẫn đang mở cho người leo núi. Ông nói điều này có thể gây nhầm lẫn cho người leo núi, ông nghĩ rằng đúng ra cần chặn cả 2 lối vào.
Ông Moriya nói: "Tôi muốn cập nhật ngay cả những thay đổi nhỏ nhất, vì điều này có thể giúp mang lại an toàn cho người leo núi. Đang mùa nóng, nhưng tôi rất vui vì đã tiến hành cập nhật".
Vài ngày sau đó, ông Moriya đã bổ sung thông tin mới thu thập được lên tấm bản đồ đặc biệt của mình. Ông đánh dấu X, có nghĩa là "không được vào", tại lối vào cung đường mòn, và dùng nét gạch màu xám để thể hiện cung đường đã bị chặn.
Hướng tới du khách nước ngoài leo núi
Ông Moriya cho biết du khách nước ngoài đi leo núi có thể gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin. Ông hy vọng có thể giảm thiểu vấn đề này bằng cách sử dụng các từ khóa và chi tiết bằng tiếng Anh trên bản đồ. Tuy nhiên, mục tiêu của ông lại không chỉ đơn thuần là dịch tất cả mọi thứ sang tiếng Anh.
Ông Moriya nhớ lại một cuộc trò chuyện với một du khách leo núi người nước ngoài về việc ông làm bản đồ. Khi ông kể về kế hoạch tạo ra một bản đồ núi Takao hoàn toàn bằng tiếng Anh, vị khách ngoại quốc này đã có một phản hồi khá bất ngờ.
Ông Moriya cho biết: "Anh ấy nói rằng đối với người nước ngoài, trên bản đồ vừa có tiếng Nhật vừa có tiếng Anh sẽ tốt hơn, do có nhiều trường hợp trên núi chỉ có biển báo bằng tiếng Nhật. Dù không đọc được tiếng Nhật thì vẫn có có thể nhận dạng các ký tự. Vì vậy, anh ấy nói với tôi rằng nếu bản đồ có cả 2 thứ tiếng thì họ có thể xác định được ý nghĩa của biển báo”.
Ông Mike Kaye xuất thân từ nước Anh là bạn lâu năm của ông Moriya. Trong một email trao đổi với NHK, ông Kaye cũng bày tỏ mong muốn xem bản đồ song ngữ.
Ông Kaye cho biết: "Ban đầu, bản đồ của Jiro chỉ có tiếng Nhật còn bây giờ trên bản mới cập nhật có cả tên bằng chữ Latinh. Điều này rất có ý nghĩa đối với người nước ngoài. Ngay cả việc tìm được ga tàu điện gần lối vào cung đường leo núi có thể cũng đã là một vấn đề lớn nếu không có tên ga đó bằng chữ Latinh”.
Từ đó, ông Moriya đã quyết định cập nhật bản đồ theo hướng này, đồng thời cho biết ông cũng cần cải thiện nhiều điểm khác nữa.
Ông nói: "Tiếng Anh vẫn chưa thực sự chi tiết. Tôi vẫn chưa cập nhật tên tiếng Anh của tất cả các ngọn núi. Ngoài ra, phần quan trọng nhất là thông tin về các cung đường vẫn chỉ có bằng tiếng Nhật. Tôi muốn đưa thêm đường link vào để người đi leo núi có thể truy cập các liên kết trên điện thoại thông minh của họ và xem thông tin giải thích chi tiết bằng tiếng Anh".
Tuy nhiên, ông Moriya nhấn mạnh rằng điện thoại thông minh không thể thay thế cho bản đồ giấy. Có rất nhiều ứng dụng cho người leo núi, nhưng màn hình điện thoại chỉ hiển thị một lượng thông tin hạn chế và mọi người dễ mất phương hướng khi di chuyển bản đồ. Lý tưởng nhất là vừa kết hợp cả ứng dụng điện thoại lẫn bản đồ giấy để tránh nhầm lẫn.
Sự hỗ trợ của những người hâm mộ ông Moriya
Nhiều người rất ngưỡng mộ sự cần mẫn và nghiêm túc của ông Moriya. Có người đã sử dụng bản đồ độc đáo của ông, có người đã có dịp gặp ông ở khu vực núi Takao, nơi hầu như mỗi cuối tuần ông Moriya đều đến để giới thiệu bản đồ độc đáo của mình và đưa ra lời khuyên cho những người leo núi. Tất cả đều nghĩ rằng những gì ông làm là thực sự ý nghĩa và tất cả đều hiểu tầm quan trọng của bản đồ giấy, ngay cả trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.
Một số người leo núi còn tình nguyện tham gia dự án làm bản đồ của ông Moriya, thông qua những việc như đo chiều dài các cung đường, cung cấp thông tin hướng dẫn hoặc chỉnh sửa bản đồ trên máy tính.
Ông Maeda Atsutaka cho biết đặc điểm chính của bản đồ của ông Moriya là ngoài thời gian đi bộ còn có cả độ dài của quãng đường đi. Ông nói: “Thời gian đi có thể thay đổi tùy thuộc vào thể lực hoặc độ tuổi, nhưng nếu biết độ dài của quãng đường thì có thể ước tính mất bao lâu thời gian”.
Ông Kamimura Ichiro cho biết kích thước bản đồ của ông Moriya giúp dễ dàng xác định vị trí các rặng núi và thung lũng hơn. Ông nói: "Đôi khi chúng tôi thấy du khách nước ngoài chỉ dùng điện thoại thông minh, nhưng sẽ rất tốt nếu họ biết được là có cả những bản đồ giấy như thế này. Điện thoại thông minh mà hết pin thì thôi xong".
Còn tình nguyện viên Takashina Shiho nói rằng bản đồ của ông Moriya rất “tuyệt vời”, vì có đủ thông tin "chi tiết hữu ích với cả những người không quen xem bản đồ lẫn những người biết cách dùng bản đồ".
Qua niềm đam mê đơn thuần với leo núi, ông Moriya đã trở thành một nhân vật được nhiều người yêu mến, người tạo ra những tấm bản đồ độc đáo hữu ích cũng như luôn quan tâm tới an toàn của những người đi leo núi.
Ông nói: "Tôi cảm thấy điều này giống như một sứ mệnh. Tôi kiểm tra xem có nguy hiểm nào không và báo với mọi người".
*Lưu ý: Do có những thay đổi trong việc xin phép sử dụng bản đồ đường đồng mức của Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản, ông Moriya viết thêm một câu trên bản đồ của mình để giải thích về mục đích sử dụng.